NHU CẦU NHÂN LỰC ĐIỆN TỬ - VIỄN THÔNG CHO CMCN 4.0

Tại diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp lần thứ tư - Industry 4.0 Summit 2019 (ngày 3/10, tại Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước, trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ CMCN 4.0 được xem là khâu đột phá, là nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Ý thức được tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, ngành điện tử - viễn thông được coi là một trong số các ngành, nghề quan trọng được Bộ LĐTB&XH thí điểm đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng cập nhật, kiến thức, kỹ năng công nghệ cho người lao động để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0.

(Nguồn tin: http://baochinhphu.vn).