Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp ” lần thứ IV (SV_STARTUP) năm 2021 đã nhận được gần 400 dự án. Trong đó, 70 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết toàn quốc. Cuộc thi này dành cho học sinh sinh viên (HSSV) có đội tuổi từ 12-24 tuổi, được phát động từ tháng 4/2021.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng các đại biểu tham quan các không gian trưng bày dự án, ý tưởng khởi nghiệp diễn ra tại Trường Đại học Thủy lợi năm 2020
Năm 2021, Vòng Chung kết Cuộc thi HSSV với ý tưởng Khởi nghiệp năm 2021 sẽ chia làm 2 chặng từ ngày 26/3 đến 27/3 tại Cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc, trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Chặng 1 chấm thi trực tiếp tại gian hàng các dự án vào để chọn ra 12 dự án khối sinh viên và 7 dự án học sinh khối THCS, THPT. Chặng 2, các dự án thuyết minh trước Ban giám khảo tại Hội trường trong Ngày Hội khởi nghiệp Quốc gia HSSV năm 2021 chọn 15 dự án sinh viên và 10 dự án Học sinh THCS, THPT để trao giải.
Tham dự Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV với dự án "Nhà rửa xe máy Flash wash", sinh viên Trường Đại học Thủy lợi đã có bước khởi đầu ấn tượng tại vòng thuyết trình trực tiếp trước ban giám khảo. Ý tưởng được đánh giá cao bởi tính thực tiễn, sáng tạo, phù hợp với cuộc sống của người Việt Nam.

Dự án "Nhà rửa xe máy Flash wash" của nhóm sinh viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Thủy lợi thuyết trình trực tiếp tại gian hàng
Khởi nghiệp thành môn học chính thức cho sinh viên
Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án 1665 của Chính phủ về việc Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với sự nỗ lực chung tay của các bộ, ngành, địa phương và của các cơ sở đào tạo, Đề án đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Về công tác hỗ trợ đào tạo, tỉ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa.
Hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước.
Về tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2158 về việc giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo cho 3 cơ sở giáo dục đại học.
Có 50% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. 70 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV. Có khoảng 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25% số cơ sở đào tạo) đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong đó có khoảng hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.
Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong các nhà trường, hướng tới xây dựng các trường đại học thực sự là Trung tâm của đổi mới sáng tạo. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghiên cứu xây dựng môn học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo dưới dạng chính khóa (bắt buộc hoặc tự chọn) hoặc đưa vào các chương trình đào tạo ngoại khóa, ngắn hạn bảo đảm giúp sinh viên hiểu về khởi nghiệp và đánh giá đúng khả năng, năng lực của bản thân.
Nghiên cứu đề xuất số lượng giảng viên, cán bộ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đảm bảo các hoạt động hiệu quả. Xây dựng các chương trình ươm tạo, tăng tốc đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của cựu sinh viên trên cơ sở kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức ươm tạo ngoài cộng đồng để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.


GS. TS Nguyễn Trung Việt - Phó hiệu trưởng Nhà trường động viên tinh thần thầy và trò nhóm dự án tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia
Hưởng ứng chương trình, Trường Đại học Thủy lợi đã tập trung huy động các nguồn lực của trường, nguồn lực xã hội hóa xây dựng các không gian chung, các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành dành riêng cho khởi nghiệp để hỗ trợ việc sản xuất thử và phát triển các sản phẩm khởi nghiệp đảm bảo thiết thực, phù hợp với các nhóm, ngành đào tạo. Tăng cường phối hợp nhà trường và doanh nghiệp để hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành, trải nghiệm, phối hợp sản xuất thử các sản phẩm mẫu.
Theo GS. TS Nguyễn Trung Việt - Phó hiệu trưởng: Nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sinh viên phát triển đam mê và các ý tưởng khởi nghiệp gắn với thực tế. Khuyến khích sinh viên tất cả các ngành, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất tham gia các sân chơi nghiên cứu, sáng tạo, giúp các em phát triển toàn diện và trở thành những con người ưu tú nhất.
Nhà trường sẽ nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm giữa doanh nghiệp, nhà trường và giảng viên, HSSV; nghiên cứu các chính sách nhằm khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp…
BV